Monday, 24 September 2012

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: 'Đồng tính đâu chỉ có sex'

Chủ đề khá ăn khách được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đưa vào tiểu thuyết "Sông" là vấn đề đồng tính và mốt đi “phượt” hiện nay của giới trẻ. Tuy nhiên, trong Sông, nhà văn không có tham vọng đào sâu thế giới người đồng tính mà chỉ muốn chọn một mẫu nhân vật có đời sống phúc tạp một chút.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là tác giả của nhiều tập truyện ngắn như: Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Khói trời lộng lẫy và nhiều truyện ngắn, tản văn khác. Đặc biệt, sau hiện tượng Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã trải nghiệm với thể loại tiểu thuyết, đó là Sông - tác phẩm đầu tay của chị. 

Tiểu thuyết Sông dày gần 300 trang kể về nhân vật chính hơi đồng tính một chút cùng hai chàng trai đi “phượt” khám phá sông Di.

“Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo” 

Tiểu thuyết Sông được đánh giá là độc đáo, đầy tính thời sự, giàu chất thơ. Nhân vật chính tên Ân - một ngày vác ba lô xuôi dọc sông Di, bạn đồng hành là những người gặp tình cờ trên mạng, chỉ biết nhau vỏn vẹn qua cái tên: Xu và Bối. Những kẻ xa lạ không cần biết quá khứ của nhau đôi khi có thể đi cùng nhau một hành trình dài dễ dàng hơn là những gương mặt quen nhìn thấu nhau từ những ngày đã nhiều rạn vỡ. Thế nhưng, cũng chính trong hành trình đó mà mọi thân phận được khám phá. Mỗi người một gương mặt, một số phận với những câu chuyện thực ảo pha trộn trong suốt cuộc hành trình, theo từng khúc, từng đoạn của dòng sông Di. Có lẽ với Sông thì hình ảnh đầu tiên đạp vào mắt bạn đọc là dòng chữ Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo. Đó là những mỹ từ mà người chăm sóc bản thảo tặng cho cuốn sách, đồng thời cũng là cách PR giúp Nguyễn Ngọc Tư bán được nhiều sách hơn. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong buổi ra mắt "Sông".

Sau Cánh đồng bất tận đến Sông, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phải thừa nhận: “Tư viết những câu chuyện bình thường một cách giản dị nhưng không đơn giản, không lên gân lên cốt. Với Cánh đồng bất tận Tư đã viết dài hơi hơn và đã gây sáo động mạnh trong làng văn cũng như công chúng và đến giờ là tiểu thuyết Sông. Có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Ngọc Tư cũng được”.

Có thể thấy, trong tác phẩm dài hơi đầu tiên này của mình, Nguyễn Ngọc Tư nói được rất nhiều chuyện của cuộc sống ngoài đời, nếu dùng lại một từ đã cũ là “phản ánh hiện thực” thì cuốn sách không thiếu sự “phản ánh”. Nhưng nhà văn phản ánh cái bên ngoài, cái bề mặt là để khơi vào, chạm tới cái bề trong, cái bề sâu của con người. Và thế thì từng chương củaSông như là một khúc rẽ, khúc ngoặt mở ra cho người đọc thấy bao tâm trạng ngổn ngang, rối bời…

Với Nguyễn Ngọc Tư khi đi từ Cánh đồng bất tận đến Sông, chị  nói đã để lại cánh đồng. “Tôi bỏ lại cánh đồng. Nhưng nhiều khi, tôi thấy mình rất bi kịch. Bởi rù đã bỏ cánh đồng đi rất xa rồi nhưng bạn đọc cứ nghĩ tôi vẫn đang ngồi chỗ cũ và cứ mong chờ tôi ngồi đó mãi. Trong khi đó, một nhà văn, cái lớn nhất là vận động và đi tới, bỏ hào quang lại sau lưng và tìm kiếm những điều mới mẻ với mình” Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ.
Theo nhà phê bình Ngô Thảo, Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn cứ liên tục làm khổ các biên kịch, nhà làm phim.

Tôi không dùng sex để câu khách

Trong cuốn tiểu thuyết Sông, lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Tư đề cập đến một chủ đề khá thời sự, câu khách và nhạy cảm là đồng tính. Nhưng chị chỉ tiếp cận sex về mặt tinh thần, về nội tâm con người, về những suy nghĩ và dằn vặt của nhân vật chứ không hoàn toàn khai thác những gì thuộc về thân xác và nhục cảm. “Khi viết Sông, nhiều bạn cũng đã hỏi tôi tại sao không đi sâu vào sex, nhục dục, nhưng tôi nghĩ đồng tính không chỉ có sex. Họ cũng có ẩn ức khác, những mối quan tâm xã hội, có đời sống rất bình thường. Viết về đồng tính đâu cứ phải sex. Khi nhà văn đào sâu tâm tư, ẩn ức của họ cũng rất hấp dẫn.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: "Đưa chuyện đồng tính vào, tôi cho đó là một sự gia giảm cần thiết và hợp lý, với liều lượng vừa phải và hoàn toàn ăn nhập với câu chuyện. Chính điều này đã không gây cảm giác tác giả đang muốn dùng điều đó để câu khách”.

Nhà phê bình Ngô Thảo, người đã mua bản quyền tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư để chuyển thể thành bộ phim cùng tên cũng phải thốt lên: Tư ơi em đừng làm khổ mọi người nữa! Không biết khi viết Tư có thấy vất vả không hay chỉ biết viết cho sướng thôi chứ không quan tâm đến nỗi khổ của anh em làm phim. 

Ông kể: “Khi chuyển thể Cánh đồng bất tận thành phim đoàn làm phim đã phải rất vất vả. Đặc biệt có một cảnh quay mà đoàn làm phim phải mất 3 đêm mới xong. Muỗi thì nhiều, dù đã dùng đủ cách, nào thì đèn pha, đèn chiếu mà muỗi vẫn cứ châu nhau vào đốt. Khổ nhất là hai diễn viên Dustin Nguyễn và Hải Yến luôn trong tình trạng không một mảnh vải che thân…”

Phim Cánh đồng bất tận chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư đã thành công.

Một điều nữa là trong Sông Nguyễn Ngọc Tư đã cho các nhân vật đối thoại với nhau bằng tên hoặc cậu, bởi không chỉ họ bằng tuổi nhau mà Sông ở đây là những trạng thái của giới trẻ hiện nay thích được biến mất. “Tính thời thượng của giới trẻ hiện nay là thích đi “phượt” vì thế tôi đã tìm cách đưa vào tác phẩm. Ngoài ra vấn đề đồng tính cũng được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, hai yếu tố này chỉ là cái vỏ cho Sông. Bởi cách viết của tôi hơi bi quan và buồn. Chính vì thế mà tôi đã phải tìm cách “pha loãng” nó bằng những chi tiết “thời thượng” để độc giả được thư giãn” Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ.

Trong Sông, có vẻ như các vấn đề đã không được giải quyết một cách triệt để. Bởi, theo Nguyễn Ngọc Tư,  việc những nhân vật không tìm được cái họ muốn và mọi thứ đều bỏ dở, là do chị cố ý. “Tôi nghĩ ở trên đời rất thiếu những thứ gọi là tận cùng, ngay cả khi mình đi đến tận cùng cũng chưa chắc là tận cùng thực sự. Nên các nhân vật tôi đều bỏ lửng hết. Ở đoạn cuối truyện, Ân có thể hỏi Xu, nhưng anh ta không hỏi vì không chờ đợi câu trả lời nữa” Nguyễn Ngọc Tư nói. 

No comments:

Post a Comment