“Lấy chồng người ta” không đơn thuần là một chuyện tình tay ba, mà còn là câu chuyện về thân phận của người phụ nữ. Người xem có thể thấy rõ những cảm thương của Lưu Huỳnh dồn cho phụ nữ Việt qua thân phận cô Lụa - nhân vật chính của phim. Nhân vật đứa bé trong phim - con chung của ba người đàn ông, đàn bà là Lụa - Khánh - Linh thực ra chỉ là một cái cớ để cho các nhân vật người lớn - cha mẹ bộc lộ hết những cá tính, dục vọng của chính họ với nhau.
Các màn ân ái được xử lý khá tế nhị theo kiểu... Lưu Huỳnh. Các màn đánh đấm bạo lực được đưa vào phim hợp lý. Phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Phim có thể sẽ cô đọng hơn, nếu Lưu Huỳnh biết tiết chế thoại ở một vài cảnh. Vẫn còn mắc căn bệnh “sợ người xem không hiểu mình muốn nói gì”, thành thử Lưu Huỳnh vẫn để cho nhân vật phải diễn giải dài dòng về tình cảm của mình. Một điểm khiến người xem hơi khó hiểu và khó chịu là một số đoạn chuyển cảnh phim theo lối “cắt bụp một phát”. Có lẽ là hậu quả của kiểm duyệt hay vì đạo diễn vẫn còn non tay trong việc chuyển cảnh phim?
Về diễn xuất, khán giả không còn nghi ngờ gì về khả năng của Thái Hòa trong vai một người đàn ông nửa người - nửa thú, u muội vì thất học, cục súc (vai Linh). Và cuối cùng, một nhân vật rất quan trọng của phim - có thể xếp vào vị trí thứ tư sau Lụa, Khánh - Linh - đó là âm nhạc (Đức Trí đảm nhận). Nhạc dẫn chuyện và tô điểm cho chuyện phim. “Lấy chồng người ta” ra rạp ngày 21.9, sẽ không phải là phim nhanh hốt bạc.
Â.T
No comments:
Post a Comment